Bài Viết Mới.
Full with love

BẢN NHÂN PHƯỜNG SHUSAI

BẢN NHÂN PHƯỜNG SHUSAI
Tác giả : Vu Hoang


Hôm qua, mình viết về trận đấu thế kỉ giữa Shusai và Ngô Thanh Nguyên. Để mọi người hiểu rõ hơn về trận đó, mình sẽ gửi đến bài viết về cuộc đời của 2 kì thủ này. Đây là phần do mình tổng hợp từ khá nhiều nguồn, chủ yếu là tiếng Nhật và Trung vì tư liệu tiếng Anh và Việt khá sơ sài.

Năm 1951, nhà văn vĩ đại Yasunari Kawabata (1899-1972) đã viết cuốn sách tựa đề “Meijin” (Danh Nhân) để miêu tả về trận đấu cờ chính thức cuối cùng giữa Bản Nhân Phường Shusai và Otake (tức Minoru Kitani 9 đẳng ở ngoài đời). Ông đã nhận định đó là tác phẩm hay nhất mà mình từng viết, một tác phẩm không chỉ nói về cờ vây mà còn là sự xung đột giữa hai nền văn hóa mới và cũ, cũng là hình ảnh của một nước Nhật bại trận sau Thế chiến thứ II. Shusai trong tác phẩm là một nhân vật chính diện, điều trái ngược với ngoài đời, khi ông đã từng chơi không đẹp trong những trận đấu quan trọng của đời mình.

Honinbo Shusai tên thật là Tamura Yasuhisa (âm Hán Việt – Điền Thôn Bảo Thọ), sinh ngày 24-6-1874 trong một gia đình là gia thần của Tướng quân. Ông nội của ông vốn là gia thần của dòng họ samurai Ogasawara. Cha của ông, Yasunaga đã lấy họ Tamura và phục vụ Mạc phủ Tokugawa trong những năm tháng cuối cùng của chế độ này. Yasuhisa sinh ra ở Bando, Tokyo. Năm lên 10 tuổi, ông mới bắt đầu học chơi cờ vây và 1 năm sau đó, năm 1885, ông tới học ở Hoensha, dưới sự hướng dẫn của Murase Shuho (1838-1886) 7 đẳng, kì thủ mạnh nhất thế giới vào lúc ấy. Khi Shuho qua đời vào năm 1886, Yasuhisa tiếp tục theo học Kadono Kamesaburo (1837-1903) 7 đẳng, người là con trai út của Kì nhân Jowa và là em vợ của Bản Nhân Phường Shusaku.

Chỉ một thời gian ngắn sau, năm 1887, Yasuhisa đã đạt chuẩn kì thủ nhất đẳng. Với tài năng thiên bẩm, ông cùng với Ishii Senji (1868-1928) và Sugioka Eijiro (1873-1899) được mệnh danh là “Tam tiểu tăng” của Hoensha. Năm 1891, Yasuhisa bất ngờ chuyển sang buôn bán nhưng không thành công. Ông đến chùa Tofuku-ji một thời gian rồi quyết định quay trở lại với cờ vây. Năm 1892, ông được thăng lên 2 đẳng. Với sự giúp đỡ của Kim Ok-gyun (1851-1894), một nhà cách tân của Triều Tiên đang ở Nhật Bản, ông được vào Viện Honinbo và làm môn đệ của Honinbo Shuei. Bắt đầu từ đây, sự nghiệp của Yasuhisa phát triển không ngừng.

Một loạt các trận đấu của Yasuhisa trong những năm cuối thế kỉ 19 đã đem lại cho ông danh tiếng là một kì thủ hàng đầu sau Shuei. Năm 1899, ông đã có trận Jubango với Karigane Junichi (1879-1959), người cũng là môn đệ của Viện Honinbo. Giữa Yasuhisa với Junichi đã xảy ra những tranh chấp về quyền trở thành “Tích mục” của Viện. Lúc này, ông đã lấy tên là Shusai và năm 1905, được thăng lên 7 đẳng. Tuy nhiên, vợ của Shuei lại ủng hộ Junichi dù rằng chính bản thân Shuei đã thừa nhận sức cờ của Shusai mạnh hơn hẳn. Một nguyên nhân được cho rằng việc nhà Shuei muốn Junichi tiếp nhiệm vị trí Viện trưởng vì tính cách có phần ồn ào và hơi thấm mùi tiền bạc của Shusai.


Năm 1907, Kì nhân Shuei qua đời giữa lúc cuộc minh tranh ám đấu giữa Shusai và Junichi diễn ra quyết liệt. Đứng trước tình thế trên, Bản Nhân Phường Shugen (1854-1917), em ruột của Shuei, người từng giữ cương vị Viện trưởng Honinbo giai đoạn 1879-1884, đã phải đứng lên chấp chưởng tạm thời. Cuối cùng, Shusai, với thực lực mạnh hơn, đã chính thức được công nhận là Viện trưởng Honinbo vào năm 1908 ở tuổi 34.


Để thể hiện sự tôn trọng với những đóng góp của Shusai, chỉ sau khi ông qua đời, Viện cờ Nhật Bản mới tổ chức giải đấu “Honinbo - Bản Nhân Phường”. Kể từ đó, giải Honinbo trở thành giải đấu tranh danh hiệu lâu đời nhất của cờ vây Nhật Bản đến tận ngày nay và là 1 trong 3 danh hiệu lớn nhất, bên cạnh Kisei – Kì Thánh và Meijin – Danh Nhân. Năm 2009, cùng với thầy mình là Kì nhân Shuei, Shusai đã trở thành người thứ 9 được Viện cờ Nhật Bản lưu danh ở Bảo tàng danh vọng cờ vây.



Ảnh: Shusai đấu với Kitani Minoru 7 đẳng trong ván cờ chính thức cuối cùng của ông.

Năm 1911, Shusai được phong 8 đẳng và đến năm 1914, được giới kì thủ tôn vinh là Kì nhân. Ông chính là người cuối cùng được phong Kì nhân theo kiểu cổ điển. Năm 1919, nhận lời mời của Tướng Đoạn Kỳ Thụy, ông cùng Dohei Takabe 5 đẳng (1881-1951) và Hirose Heijiro 6 đẳng (1865-1940), người vào năm sau trở thành Chủ tịch của Hoensha, tới Trung Quốc để quảng bá cờ vây. Chuyến đi này đã góp phần cải thiện mối quan hệ đang căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, đồng thời, khiến giới kì thủ đại lục mở mang tầm mắt về trình độ của các cao thủ Phù Tang. Không những thế, Dohei Takabe còn tạo ra ảnh hưởng tới một loạt những kì thủ Trung Quốc ở Bắc Kinh, những người trong tương lai đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy tài năng của một thiên tài mang tên Ngô Thanh Nguyên.

Trong những năm Taisho (Đại Chính 1912-1926), cờ vây Nhật Bản vận hành bởi 3 trụ cột lớn: Viện Hiseikai, Viện Honinbo và nhóm Hoensha. Tháng 1-1923, nhóm Hoensha và Viện Honinbo sát nhập với nhau nhưng lại tách ra chỉ sau đó 3 tháng. Tháng 9-1923, trận động đất Kanto đã khiến ít nhất 100.000 người thiệt mạng, cả nước Nhật chao đảo. Giới cờ vây cũng bị ảnh hưởng lớn bởi thảm họa này và rất nhiều tổ chức đối mặt với việc đóng cửa. Nhưng lúc này, một vĩ nhân đã xuất hiện. Tên ông ta là Kishichiro Okura (1882-1963). Vị Nam tước này đã hỗ trợ tài chính để các tổ chức cờ vây hợp nhất thành Viện cờ Nhật Bản (Nihon Ki-in) vào tháng 5-1924. Với tư cách là đệ nhất kì thủ đương đại, Shusai là một thành viên rất quan trọng của Viện cờ.

Năm 1926, Shusai đã có một ván cờ kinh điển với Karigane Junichi 7 đẳng (1879-1959), người đứng đầu của nhóm Kiseisha và giành thắng lợi ngoạn mục (ván cờ này sau được sử dụng trong manga “Hikaru no go”, ván giữa Sai và Kaga Tetsuo, đội trưởng đội cờ shogi, ở đầu truyện).

Tháng 10-1933, Shusai đối mặt với thiên tài đang lên Ngô Thanh Nguyên trong “trận chiến thế kỉ” của cờ vây. Đây được xem như là cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên bàn cờ. Ván cờ kéo dài hơn 3 tháng và Shusai đã giành chiến thắng với 2 mục cách biệt dù phải cầm quân Trắng. Tuy nhiên, những tin đồn loan ra rằng ông đã sử dụng quyền dừng trận đấu để về Viện Honinbo và trao đổi với các học trò của mình nhằm tìm ra đối sách. Không những thế, nước cờ thứ 160, được coi như “Nước đi thần thánh” lại không phải là sáng tạo của Shusai mà là của Maeda Nobuaki, một đệ tử của ông. Trong những lần phỏng vấn sau đó, Maeda đã bóng gió nói về điều này.

Mệt mỏi vì tuổi tác, Shusai dần rút khỏi giới cờ vây. Năm 1936, ông trao lại danh hiệu Bản Nhân Phường cho Viện cờ Nhật Bản quản lí. Kể từ nay, danh hiệu này sẽ không theo chế độ truyền thừa của riêng Viện Honinbo nữa mà sẽ trở thành một giải đấu mà bất kì kì thủ nào cũng có thể tranh đoạt bằng thực lực. Nhiều người cho rằng một lí do quan trọng khiến Shusai làm vậy vì ông đã rất đau buồn khi môn đệ giỏi nhất của mình, người mà ông hi vọng sẽ kế thừa vị trí, Kogishi Soji 6 đẳng (1898-1924) đã qua đời quá sớm vì lao lực và bệnh thương hàn.

Năm 1938, Shusai có trận chính thức cuối cùng với Kitani Minoru 7 đẳng. Rút kinh nghiệm từ ván cờ của người bạn thân Ngô Thanh Nguyên với Shusai 5 năm trước, Kitani đã yêu cầu phải niêm phong nước cuối trong ngày để công bằng. Đòi hỏi ban đầu bị phe của Shusai phản đối nhưng cuối cùng, ông phải chấp nhận. Ông cầm quân Trắng và thua 5 mục. Ván cờ này đã trở thành cảm hứng để nhà văn Yasunari Kawabata viết cuốn sách mang tên “Meijin”.

Ngày 18-1-1940, Shusai qua đời ở một khách sạn tại thành phố Atomi. Viện cờ Nhật Bản đã tổ chức trọng thể tang lễ của ông và an táng ông ở chùa Honmyō-ji, nơi yên nghỉ của các vị Bản Nhân Phường trong quá khứ.

Hanoi Go Club Hanoi Go Club Author

Youtube

Popular Post

About

Chúng tôi là những người đam mê cờ vây và tìm thấy những tư tưởng triết lý cao đẹp từ bộ môn nghệ thuật của tư duy này. Với mong muốn và khát khao phát triển cộng đồng cờ vây tại Việt Nam ngày một lớn mạnh, trang web này là nơi chúng tôi cung cấp những kiến thức cơ bản và tạo động lực cho các bạn.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng từ các bạn xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.

--- Hội Quán Cờ Vây Hà Nội ---


Doanh Nghiệp Tài Trợ

Contact Us

Website: hanoigoclub.com


Page: facebook.com/hanoigoclub


Group: facebook.com/groups/hanoigoclub


Youtube: Hc C Vây - Hanoi Go Club


Hotline: 098.37.86.888


Email: hanoigoclub@outlook.com

Đăng Ký Theo Dõi