Bài Viết Mới.
Full with love

BẢN NHÂN PHƯỜNG SHUSAKU VÀ NGỰ THÀNH KỲ

BẢN NHÂN PHƯỜNG SHUSAKU VÀ NGỰ THÀNH KỲ
Tác giả : Vu Hoang


Hôm nay là sinh nhật của Shusaku. Đối với giới cờ vây, Bản Nhân Phường Shusaku có một vị thế không ai so sánh được. Dù khi qua đời chỉ là kì thủ 7 đẳng nhưng Shusaku là người nổi tiếng nhất của giới cờ vây, nối bật hơn bất cứ một Kì nhân nào khác. Không chỉ có thế, Shusaku còn là kì thủ cờ vây đầu tiên được Google tôn vinh trên Doodle (6-6-2014), cũng là kì thủ đầu tiên và duy nhất có một Bảo tàng riêng và là một trong 4 người được Viện cờ Nhật Bản vinh danh ngay khi thành lập Bảo tàng danh vọng cờ vây.

Theo thống kê, Shusaku là người được giới kì thủ nghiên cứu kì phổ nhiều nhất. Rất nhiều các kì thủ chuyên nghiệp coi ông là thần tượng, học tập bằng cách đọc lần lượt các ván cờ của ông từ khi ông mới chơi cho đến khi cuối đời. Lee Changho 9 đẳng, kì thủ số 1 thế giới trong 16 năm liên tiếp, chính là tiêu biểu cho lối học tập này.

Nhưng không phải Shusaku ngẫu nhiên nhận được những vinh dự lớn lao và độc nhất như thế. Đối với nhiều người, ông luôn nằm trong danh sách 3 hoặc 4 kì thủ vĩ đại nhất lịch sử, thậm chí có thể là vĩ đại nhất. Là người đặt nền móng cho cờ vây hiện đại, Shusaku là hiện thân của sự phá cách khi ông thường xuyên đi những nước vượt ra ngoài khuôn khổ cờ vây cổ điển. Tuy nhiên, một trong những lí do quan trọng nhất để Shusaku trở thành huyền thoại chính là nhờ những ván đấu ở "Ngự thành kỳ".

Ngự thành kỳ là sự kiện quan trọng nhất của cờ vây Nhật Bản trong 260 năm. Nó tương đương với giải vô địch thế giới Ing Cup ngày nay. Những ván cờ ở Ngự thành kỳ không chỉ có ý nghĩa về mặt danh dự mà còn là tiền bạc vật chất nữa. Các Viện cờ cạnh tranh nhau rất khốc liệt để chiến thắng những ván đấu này bởi Viện nào áp đảo thì Viện trưởng Viện đó sẽ có cơ hội rất lớn để trở thành Kì nhân.

Trận Ngự thành kỳ đầu tiên diễn ra giữa Kì nhân Sansa và Kashio Rigen ở lâu đài Sunpu tại Shizuoka. Người chứng kiến ván đấu chính là Tokugawa Ieyasu, vị Tướng quân nổi tiếng đã thống nhất Nhật Bản sau hơn 200 năm chiến loạn. Kể từ đây, các ván đấu trước sự chứng kiến của Tướng quân hoặc người thừa hành của Tướng quân đã trở thành mục tiêu và khát vọng của mọi kì thủ. Từ năm 1628, tất cả các ván đấu đều diễn ra tại cung điện Edo của Tướng quân (tức Tokyo ngày nay).

Không phải ai cũng có thể tham dự Ngự thành kỳ mà phải là "tinh hoa của những tinh hoa" trong giới cờ vây. Đó chính là Viện trưởng và Tích mục của 4 Viện cờ, tức 8 kì thủ mạnh nhất nước. Về sau, do việc có những kì thủ 7 đẳng rất mạnh nhưng không giữ các chức vụ trên, Ngự thành kỳ được mở rộng tới cả những người này. Cuối cùng, Ngự thành kỳ còn chấp nhận các kì thủ 5 hoặc 6 đẳng nhưng với điều kiện, họ được Viện trưởng các Viện tiến cử.

Theo hồ sơ nhà Tokugawa, có tổng cộng 67 kì thủ tham gia các trận Ngự thành kỳ trong lịch sử và đấu với nhau tổng cộng 536 ván. Honinbo Retsugen 8 đẳng là người giữ kỉ lục về số ván đấu tại Ngự thành kỳ với 46 ván. Nhưng kỉ lục "khét tiếng" nhất thuộc về Honinbo Shusaku, người đã tham gia 19 ván Ngự thành kỳ, trong đó có 11 ván cầm quân Đen và 8 ván cầm quân Trắng. Ông thắng toàn bộ 19 ván đó và 18/19 là những trận thắng áp đảo đối thủ. Vì kỉ lục độc nhất vô nhị này, ông đã được mệnh danh là "Shusaku Bất Bại".

Điều đáng sợ hơn đó là, thường các ván Ngự thành kỳ, Tích mục của 1 Viện sẽ chỉ đấu với Tích mục của Viện khác hoặc 1 kì thủ 7 đẳng mà thôi. Nhưng do Viện trưởng Shuwa "lười" không tham gia thi đấu nên Shusaku cân tất. Ông lần lượt đấu với cả Tích mục lẫn Viện trưởng các Viện khác và đè bẹp họ. Ván duy nhất Shusaku thắng một cách nhọc nhằn là trước Ito Showa 7 đẳng khi chỉ hơn 3 mục dù cầm quân Đen. Đó là ván mà người đời sau nhận định, lẽ ra Shusaku phải đầu hàng từ lâu. Nhưng ông đã bình tĩnh lật ngược tình thế và giành thắng lợi sít sao. Kể từ ván đấu lịch sử ấy, Shusaku sẽ không bao giờ thua khi cầm quân Đen nữa.

Một trong những quy tắc của Ngự thành kỳ đó là chế độ cạo trọc đầu và mặc áo hòa thượng để thi đấu. Quy tắc này noi theo gương của Kì nhân Sansa, người là một bậc cao tăng nổi tiếng. Vì thế, các bức họa Shusaku đều vẽ ông trọc đầu vì tuân thủ quy tắc trên. Nhưng có một người đã không tuân thủ, đó là Ota Yuzo 7 đẳng, kì thủ duy nhất trong lịch sử từ chối tham dự Ngự thành kỳ vì không muốn cạo bộ tóc tuyệt đẹp của ông.

Để hình dung sự bá đạo của Shusaku, mọi người có thể tưởng tượng ra một kì thủ tham dự giải thế giới mà thắng liên tục trong ... 11 năm. Vì khả năng thắng trong những "ván cờ lớn" của Shusaku không ai bì kịp nên từ khi mới 24 tuổi, ông đã được thừa nhận rộng rãi là kì thủ mạnh nhất và chắc chắn sẽ trở thành Kì nhân trong tương lai, khi ông chính thức tiếp nhiệm chức vụ Viện trưởng.

Chỉ tiếc, ngày đó đã không bao giờ đến ...

P/S: Shusaku là kì thủ đầu tiên có một giải đấu tưởng niệm ông. Giải đấu này tổ chức liên tục mỗi năm 2 lần trong khoảng hơn 40 năm qua tại quê nhà Inno. Danh hiệu vô địch được thưởng 1 triệu Yen, tương đương 212 triệu đồng, bạn nào cảm thấy tự tin có thể sang đó ghi danh tham dự 😆Ngoài ra, một giải đấu ở châu Âu cho các kì thủ nghiệp dư cũng có Cup mang tên Shusaku.
Hanoi Go Club Hanoi Go Club Author

2 comments:

  1. Đọc truyện Hikaru từ lâu rồi nhưng từng nghiên cứu về lịch sử cờ vây trong thực tế nên cho mình hỏi tại sao "ngày đó đã không bao giờ đến" vậy? chuyện gì đã xảy ra với shusaku ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ông ấy qua đời trong một đợt dịch tả

      Delete

Youtube

Popular Post

About

Chúng tôi là những người đam mê cờ vây và tìm thấy những tư tưởng triết lý cao đẹp từ bộ môn nghệ thuật của tư duy này. Với mong muốn và khát khao phát triển cộng đồng cờ vây tại Việt Nam ngày một lớn mạnh, trang web này là nơi chúng tôi cung cấp những kiến thức cơ bản và tạo động lực cho các bạn.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng từ các bạn xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.

--- Hội Quán Cờ Vây Hà Nội ---


Doanh Nghiệp Tài Trợ

Contact Us

Website: hanoigoclub.com


Page: facebook.com/hanoigoclub


Group: facebook.com/groups/hanoigoclub


Youtube: Hc C Vây - Hanoi Go Club


Hotline: 098.37.86.888


Email: hanoigoclub@outlook.com

Đăng Ký Theo Dõi